Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2020

Vấn đề cơ bản của triết học và phân định các trường phái triết học khác nhau


Vấn đề cơ bản của triết học và phân định các trường phái triết học khác nhau
Triết học là một hình thái ý thức xã hội, là học thuyết nghiên cứu về những vấn đề chung nhất của thế giới tự nhiên, XH và con người, nghiên cứu và giải quyết mối quan hệ của con người nói chung, của tư duy con người nói riêng với thế giới xung quanh. Triết học phản ánh thế giới một cách chỉnh thể, nghiên cứu những vấn đề chung nhất, những quy luật chung nhất của chỉnh thể này và thể hiện chúng một cách có hệ thống dưới dạng lý luận.
Ra đời từ khoảng thế kỷ VIII - VI TCN, triết học đã tồn tại và phát triển qua hàng ngàn năm trong lịch sử tư tưởng nhân loại. Tổng kết toàn bộ lịch sử triết học, đặc biệt là lịch sử triết học cổ điển Đức, Ph.Ăngghen đã khái quát: “Vấn đề cơ bản của mọi triết học, đặc biệt là triết học hiện đại, là mối quan hệ giữa tư duy và tồn tại”. Vấn đề cơ bản của triết học có hai mặt:
Thứ nhất, giữa ý thức và vật chất cái nào có trước, cái nào có sau? Cái nào quyết định cái nào?Hay nói cách khác, giữa vật chất và ý thức, cái nào là tính thứ nhất, cái nào là tính thứ hai, cái nào giữ vai trò quyết định?
Thứ hai, con người có khả năng nhận thức được thế giới khách quan hay không?
Mọi triết học đều tập trung giải quyết hai mặt của vấn đề cơ bản của triết học, chính vì vậy, vấn đề cơ bản của triết học là chuẩn mực để phân biệt các trường phái triết học trong lịch sử. Vấn đề quan hệ giữa vật chất và ý thức, giữa tồn tại và tư duy hay giữa tự nhiên và tinh thần là vấn đề cơ bản của triết học. Tất cả những hiện tượng mà chúng ta gặp thường ngày chỉ có thể hoặc là hiện tượng vật chất tồn tại bên ngoài ý thức chúng ta, hoặc là hình thức tinh thần tồn tại trong ý thức chúng ta. Không có bất kỳ hiện tượng nào nằm ngoài hai lĩnh vực đó. Bất kỳ trường phái triết học nào cũng phải đề cập đến và giải quyết mối quan hệ giữa vật chất và ý thức, bằng hình thức này hoặc hình thức khác, trực tiếp hoặc gián tiếp. Có thể nói, ở đâu và lúc nào việc nghiên cứu được tiến hành trên bình diện vấn đề quan hệ vật chất và ý thức thì lúc đó và ở đó việc nghiên cứu triết học được bắt đầu. Kết quả và thái độ của việc giải quyết đó quyết định sự hình thành thế giới quan và phương pháp của các nhà nghiên cứu; xác định bản chất của các trường phái triết học đó.
Về việc phân định các trường phái triết học:
Phụ thuộc vào câu trả lời cho câu hỏi: ý thức và vật chất, tinh thần hay giới tự nhiên, cái nào có trước, cái nào có sau, cái nào quyết định cái nào? Mà các nhà triết học chia làm thành hai trường phái cơ bản là chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm.
Chủ nghĩa duy vật khẳng định vật chất có trước, ý thức có sau; thế giới vật chất tồn tại một cách khách quan, độc lập với ý thức con người và không do ai sang tạo ra; còn ý thức là phản ánh thế giới khách quan vào bộ óc con người; không thể có tinh thần, ý thức nếu không có vật chất. Chủ nghĩa duy vật đã phát triển qua ba hình thức cơ bản là: chủ nghĩa duy vật chất phác thời cổ đại, chủ nghĩa duy vật siêu hình và chủ nghĩa duy vật biện chứng. Cụ thể:
+ Hình thái lịch sử đầu tiên của chủ nghĩa duy vật là CNDV thời cổ đại còn mang tính chất phác và chủ yếu dựa trên sự quan sát trực tiếp và những kinh nghiệm cảm tính, nó chưa có được một cơ sở khoa học là nền tảng.
+ Hình thái lịch sử thứ hai của CNDV là CNDV siêu hình xuất hiện trong khoảng thế kỷ XVII - XVIII, nó xem xét giới tự nhiên và con người như một hệ thống máy móc phức tạp khác nhau và chỉ nghiên cứu sự vật, hiện tượng trong trạng thái biệt lập không vận động và không phát triển.
+ Hình thái thứ 3 của CNDV là CNDV biện chứng với đặc điểm nổi bật có sự thống nhất chặt chẽ giữa chủ nghĩa duy vật với phép biện chứng trên cơ sở những thành tựu khoa học chuyên ngành cụ thể.
Ngoài những hình thái cơ bản trên trong lịch sử phát triển của CNDV còn có CNDV tầm thường (đồng nhất vật chất - ý thức, xem nhẹ vai trò của ý thức) và CNDV kinh tế (xem kinh tế là nhân tố duy nhất quyết định sự vận động phát triển toàn bộ đời sống XH).
Đối lập với chủ nghĩa duy vật là chủ nghĩa duy tâm, chủ nghĩa duy tâm cho rằng: tinh thần, ý thức có trước và là cơ sở tồn tại của giới tự nhiên, của vật chất. Trong trường phái triết học duy tâm lại được phân chia thành 02 hình thái sau:
+ Chủ nghĩa duy tâm khách quan: Với quan điểm cho rằng có một thực thể tinh thần ý thức tồn tại một cách độc lập ở bên ngoài con người và thế giới vật chất nó có trước và sản sinh ra toàn bộ thế giới vật chất và cả con người; Nó quy định và quyết định sự vận động phát triển của thế giới vật chất. Hai đại biểu lớn nhất của trường phái đó là: Platôn và Hêgen.
+ Chủ nghĩa duy tâm chủ quan: với quan niệm cho rằng cảm giác là cái có trước và tồn tại sẵn trong con người. Các sự vật hiện tượng bên ngoài chỉ là phức hợp của cái cảm giác đó mà thôi. Hai đại biểu của trường phái duy tâm chủ quan là: Hium và Bécơly.
Tuy nhiên, dù biểu hiện khác nhau thì các nhà triết học duy tâm chủ quan hay khách quan cũng chỉ là bằng cách này hay cách khác phủ nhận sự tồn tại khách quan của thế giới vật chất.
Bên cạnh những nhà triết học nhất nguyên luận (duy vật hoặc duy tâm) giải thích thế giới từ một nguyên thể hoặc vật chất hoặc tinh thần, còn có những nhà triết học theo nhị nguyên luận, họ xuất phát từ cả hai nguyên thể vật chất và tinh thần để giải thích mọi hiện tượng trong thế giới. Họ cho rằng thế giới vật chất sinh ra từ nguyên thể vật chất; thế giới tinh thần sinh ra từ nguyên thể tinh thần.
Về việc trả lời cho câu hỏi, khả năng nhận thức thế giới của con ngươì. Chủ nghĩa duy vật xuất phát từ chỗ cho rằng, vật chất là nguồn gốc của ý thức và ý thức là sự phản ánh của thế giới vật chất. Do đó thừa nhận con người có khả năng, có thể nhận thức được thế giới và các quy luật của thế giới. Đa số các nhà triết học duy tâm cũng thừa nhận thế giới là có thể nhận thức được. Nhưng do xuất phát từ quan niệm cho rằng, ý thức có trước vật chất và vật chất phụ thuộc vào ý thức, cho nên, theo họ, nhận thức thế giới không phản ánh thế giới mà chỉ là tự nhận thức, phủ nhận cảm giác, khả năng, ý niệm của con người là cái phản ánh các sự vật và hiện tượng của thế giới khách quan.
Trả lời câu hỏi mặt thứ hai của vấn đề cơ bản của triết học còn có những nhà triết học bác bỏ về khả năng của con người nhận thức được thế giới. Đó là những nhà triết học theo thuyết bất khả tri (thuyết không thể biết).
Như vậy, việc trả lời cho hai câu hỏi của hai mặt của vấn đề cơ bản của triết học chính là căn cứ để phân biệt các trường phái triết học trong lịch sử: Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm; khả tri luận và bất khả tri luận; chủ nghĩa nhị nguyên và chủ nghĩa hoài nghi luận. Nhưng về căn bản có chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm là hai trường phái chính và lớn nhất, còn về thực chất, chủ nghĩa nhị nguyên có cùng bản chất với chủ nghĩa duy tâm, còn hoài nghi luận thuộc về bất khả tri luận; mặt khác, bất khả tri luận thường có mối liên hệ mật thiết với chủ nghĩa duy tâm, còn khả tri luận thường gắn với chủ nghĩa duy vật.
Qua việc nghiên cứu trên, trên quan điểm của chủ nghĩa DVBC chúng ta cần thấy rằng vật chất có trước, ý thức có sau, VC quyết định YT và con người có khả năng nhận thức được thế giới khách quan. Trên cơ sở đó trong nhận thức và hoạt động thực tiễn của mình cần xuất phát từ thế giới hiện thực khách quan, trên cơ sở hiện thực khách quan mà hình thành nên những nhận thức về các sự việc, hiện tượng một cách đầy đủ nhất, không nên chỉ xuất phát từ ý thức chủ quan của mình. Đồng thời cũng cần nâng cao khả năng nhận thức của mình về thực tế khách quan để cải tạo thế giới khách quan phục vụ cho nhu cầu cuộc sống của mình.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét